Nhắc đến kỷ
niệm về Cánh Đồng Chum-xiêng Khoảng không thể không nhớ những mùa mưa, những
mùa mưa còn ướt đẫm trong lòng cựu chiến binh quân tình nguyện cho đến tận bây
giờ. Cái mảnh đất núi cao, rừng thẳm ấy cộng với khí hậu nhiệt đới gió mùa đã sản
sinh ra hai mùa rõ rệt đối nghịch nhau như âm với dương, như nước với lửa : mùa
khô và mùa mưa.
Nếu mùa khô, bằng những cơn gió heo
may đầu thu báo hiệu mùa chiến dịch, những binh đoàn rậm rịch rời hậu cứ lên đường,
thì mùa mưa, thường bắt đầu từ giữa tháng 4, báo hiệu một thời kỳ cam go đang đến.
Mùa mưa đến, nghĩa là những GM Vàng Pao, BV, BS, AC...Thái Lan như những vòi bạch
tuộc đen từ Sảm Thông, Long chẹng, Khang Kho, Nậm Cọ, từ SaLaPhuKhun, Buôm Lọng...luồn
rừng, nhảy cóc bằng trực thăng nống ra Cánh Đồng Chum. Mùa mưa, đồng nghĩa với
tiếp tế khó khăn, khẩu phần ăn giảm xuống mức tối thiểu, gạo, đạn phải dè xẻn.
Đất trời như cũng đứng về phía giặc, trút xuống những cơn mưa tầm tã. Núi rừng
mờ mịt trong màn mưa trắng xóa, hết cơn này đến cơn khác như không bao giờ dứt.
Rừng già đẫm nước, đất trong chiến hào, công sự, hầm trú ẩn biến thành một thứ
cháo bột sền sệt, quãng đường mùa khô đi mất chừng hai giờ nay thành ba, bốn giờ,
ngã oành oạch như bổ củi. Những người lính gầy gò, da xanh tái vì thiếu ăn, sốt
rét, sốt mò, vì thiếu cả ánh mặt trời, áo quần ẩm ướt quện bùn, hôi hám, rách
rưới tả tơi...mím chặt đôi môi thâm xịt, nghiến răng, gồng mình chịu đựng đạn
bom, muỗi vắt, ghẻ ngứa, hắc lào, chịu đựng đói rét, đem hết sức tàn, lực kiệt
chống trả những cuộc tấn công dồn dập của quân thù. Tiếng bom tọa độ, tiếng
pháo cối nổ trong mưa rền vang âm âm, thúc vào ngực đến tức thở.
Đường vận tải ô tô tắc hẳn bởi bom giặc một phần,
bởi mưa lũ tám chín phần. Hàng ngàn khối đất đá từ Ta luy dương sụt xuống lấp
hàng trăm mét đường những quãng Đèo Đất, Đèo Đá, đèo Phu Nốc Cốc, nhiều đoạn đường
biến mất dưới vực sâu hun hút như chưa hề tồn tại. Trên vài đoạn còn lại, cây cối,
rêu cỏ đã bò lan cả ra mặt đường từ lâu
không dấu bánh xe lăn. Con đường chết gợi lên cảm giác cô đơn, hoang vu trong
lòng bộ đội, hậu phương như càng xa ngái mịt mùng đâu đó nơi chân trời phía
đông.
Ẩn
trong rừng già, núi thẳm, lượn ngoằn ngoèo bên những vách đá cao dựng đứng hay
vực thẳm chênh vênh là con đường mòn bộ binh như một sợi chỉ mong manh bắt đầu
từ Khăng Malen – Noọng Hét, điểm cuối cùng những chiếc GAZ.63, ZIL.157 từ hậu
phương có thể chạy đến đổ người và hàng. Từ đây, bắt đầu những ngày hành quân bộ.
Rừng ổi, Pha Tông Ching, hang ông Sương, Phu Tatving, bản Nôn, bản Nhôm, bản
Khăng Mươi...rồi K2, khe đá 2, nhánh rẽ trái đi Thali Nọi, Phu Nhu, Mường Phàn,
bản Thẳm, nhánh rẽ phải lên Mã Tử đi ngã ba Noỏng Pết (Noọng Pẹt).
Trên những con dốc dựng ngược lên trời, cắm thẳng xuống vực, trơn như đổ
mỡ, những tốp, những đoàn người đi vào, đi ra lầm lũi trong màn mưa trắng trời
trắng đất. Nếu đi vào chỉ có hai loại người : Bộ đội, dân công hỏa tuyến thì đi
ra trái lại, đủ dạng : những cáng thương binh trùm tăng ni lông thấp thoáng những
khuôn mặt xanh rớt, những cẳng chân, cánh tay cắt cụt quấn băng thấm máu nâu
đen, những gia đình dân Lào già trẻ bồng bế lếch thếch, dắt ngựa, ôm gà cùng
vài ba thứ quần áo, nồi niêu cũ kỹ, méo mó. Thi thoảng có đôi ba người mặc quân
phục thoạt nhìn lành lặn, không súng, không mũ, có người không cả ba lô, bước
chân cố làm ra vẻ bình thản nhưng ánh mắt vẫn lấm lét, đa phần nhìn xuống, ấy
là những kẻ “đi lạc” nhưng chỉ “lạc” ra phía ngoài chứ không bao giờ lạc vào
phía trong, gọi tắt là đào ngũ.
Làm gì có tiếng cười đùa, hát hò trêu chọc vui
vẻ như trong tác phẩm của mấy ông nhà văn ngồi dưới đèn Nê-ông trong phòng ấm áp,
khô ráo ở hậu phương “sáng tác” về cái lãng mạn hào hùng của chiến trường ?!
Cũng chẳng thấy: “...Đường ra trận mùa này đẹp lắm !!!...” ở chỗ nào. Ngoài tiếng mưa ào ạt, tiếng đạn bom và sấm
chớp, chỉ có tiếng thở hổn hển, tiếng văng tục và tiếng quát. Cả cái người vừa
quát kia hình như cũng không còn hơi sức nên tiếng quát chỉ gằn trong cổ như tiếng
gầm gừ của loài thú. Hơi nước bốc lên từ những đôi vai ướt đẫm, mùi quần áo ẩm, mùi mồ hôi, mùi lá rừng
mục hòa lẫn nhau thành thứ mùi đặc trưng của cuộc hành quân. Mưa ào ào rồi tạnh,
rồi lại mưa, lại tạnh. Muôn ngàn dòng nước nhỏ chảy trên núi xuống hợp thành
con suối lớn, nước đỏ ngầu, cuồn cuộn đập vào những tảng đá ven bờ tung lên những
đám bọt trắng như bờm của bầy ngựa bất kham. Trên thân gỗ đổ đầy rêu vắt ngang
dòng Khe Đá 2, một người lính dò dẫm, run run bước qua, chỉ một thoáng xảy
chân, anh ta rơi thẳng xuống dòng nước xoáy đang gầm réo như thú dữ trước sự bất
lực của những người chứng kiến. Trong nháy mắt, người lính xấu số đã mất dạng
trong hang, nơi con suối dữ dằn đang hồng hộc chui vào. Ba ngày sau, những người
chờ ở cửa hang phía nước chảy ra đành thất vọng thu tăng, cuốn võng lên đường bởi
xác anh đã mắc đâu đó trong cái hang ngầm dài mấy trăm mét kia.
Gò lưng bước từng bước chậm chạp dưới sức nặng
của hai ống đạn DKZ 82, cô gái mặc quân phục quân giải phóng nhân dân Lào đội
chiếc mũ mềm xanh cây lưỡi trai đen, mồ hôi và nước mưa làm bết những lọn tóc
mai trên khuôn mặt bầu bĩnh vừa thở, vừa cười với anh lính công binh đang đánh
bậc trên đường:
- Ại
ơi ! noọng lộm chí tai ! (Anh ơi ! em ngã gần chết !).
Nụ cười của cô gái đại đội vận tải bạn Lào
sáng lên trong cơn mưa rừng âm u. Người lính công binh vụng về đưa bàn tay bợt
bạt chùi vết máu trên má cô:
-
Ốt thôn me ! Noọng sao ! (cố lên nhé ! Em gái !)
Trong một hõm đá ẩm ướt ngay cạnh đường mòn,
chủ nhiệm công binh mặt trận dõi đôi mắt thiếu ngủ đỏ ngầu như muốn chọc thủng
mảnh bản đồ địa hình 1/50 000, trên môi ông, điếu thuốc cuốn bằng thứ thuốc lá
hái trên nương Lào Thơng tỏa khói mù mịt, khét lẹt. Cái sẹo dài trên mặt, vết
cháy bom Na Pal thời đánh Pháp đôi lúc giật giật, ông đang rất căng thẳng, bực
bội. Lúc này, thật vô phúc cho thằng lính nào, dù chỉ vô tình, châm ngòi cho
cơn bực ấy bùng phát. “Phần thưởng” nhận được chắc chắn sẽ là một trận “tổng xỉ
vả” kinh khủng nhất trong đời lính của hắn.
Vài lần tạnh ráo trong ngày là lúc
trên nền trời xám xịt, vần vũ mây xám, mây đen xuất hiện đủ loại máy bay. Những
chiếc RF.4C lật ngiêng, tạt ngửa gầm rít nhức tai, cái L.19 lặng lờ gần như đứng
im trên cao chẳng khác gì một cánh diều hiền lành, phải lắng tai mới nghe tiếng
động cơ vo ve như tiếng muỗi. Trên khu rừng tre cánh đồng bản Ban một cái “gọng
bừa” (OV.10A) đang nhao lên, nhao xuống kêu ò ò như lợn bị chọc tiết. Phía xa
trong Cánh Đồng Chum vài tốp T.28 nhìn bé li ti như đàn nhặng lượn vòng quanh
cái đám khói hình nấm đang mỗi lúc một phình to, vọng lại mơ hồ tiếng bom bi lục
bục, tiếng 20 ly nổ lốp bốp. Dưới tán rừng rậm rạp, một đơn vị đang dừng chân nấu
ăn, làn khói trắng mỏng như sương bảng lảng tỏa ra trên những rãnh thoát khói bếp
Hoàng Cầm, văng vẳng tiếng loa khi được, khi mất lẫn trong tiếng C.47: “...Các
cán binh cộng sản Bắc Việt...bị bao vây...vô ích...hãy nhanh chóng...quân đội
hoàng gia Ai lao...”. Đó đây, những tờ truyền đơn in hình ba con voi châu đít
vào nhau lem nhem bùn đất bởi dấu giày dẵm lên của muôn người qua lại. Những
người lính nằm ngồi ngổn ngang đợi cơm, vài người ngủ gà ngủ gật, lưng vẫn đeo
ba lô, vài người khác tụt giày, xắn quần gỡ những con vắt no tròn bám trên cổ
chân, bắp chân, vết máu từ chỗ bị vắt cắn chảy đỏ tươi trên những cái cẳng chân
trắng nhợt vì ngâm nước. Dưới gốc một cây to, thân vươn cao trên tán rừng, mấy
cán bộ chụm đầu quanh tấm bản đồ chỉ trỏ, bàn cãi. Gần đấy, người lính thông
tin đeo cáp nghe ngồi xổm trước cái máy 2W kiên nhẫn nhắc đi, nhắc lại những
tràng mật ngữ kỳ quặc về các dòng sông, tôm, cua và các loại quả. Lệnh tiếp tục
hành quân, cả đoàn người rùng rùng chuyển động, tiếng vũ khí, khí tài lách
cách, tiếng cán bộ nhắc nhở ngụy trang, dập bếp hòa trong tiếng lính lao xao,
dăm ba tiếng văng tục. Mươi phút sau khu rừng trở lại sự yên tĩnh vốn có, chỉ
còn lại chút khói tàn trên những cái bếp đang tắt, vỏ lương khô, dăm cái vỏ hộp
vùi vội thấp thoáng trong lá mục và những dấu giày.
Trời lại đổ mưa, mưa mỗi lúc một to. Cái
báng AK của người lính đi cuối cùng chống lên tấm ni lông quàng sau lưng tạo
thành một hình nhân kỳ lạ nửa hư, nửa thực nhòa dần trong những hạt mưa bay
xiên xiên. Trong mưa, dấu chân của những người lính trên đường mòn cũng mờ dần
rồi mất hẳn. Những cơn mưa rừng Xiêng Khoảng còn rơi trong lòng chúng tôi đến
hôm nay.
Nhớ mùa mưa năm 1969
Ngọc Lan