THÁNG 7, MÙA NHỚ
Họa sĩ Lê Minh Châu, sinh 4/7 đúng
ngày Quốc khánh Hoa kỳ, nhập học trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (42 Yết
Kiêu-Hà Nội) vào ngày 4/7/1968. Đang là sinh viên, nhập ngũ 9.7.1971 tham gia Quân
tình nguyện Việt Nam tại Lào với chức vụ Hạ sỹ, khẩu đội
trưởng, d24 cao xạ (BTL MẶT TRẬN 31) tại Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng ( Lào) từ
1971-1976.
Tham gia chiến dịch Z giải
phóng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (12.1971). Cuối năm 1976 chuyển ngành về
trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội học tiếp. Tháng 7.1978 ra trường, chuyển về làm
họa sĩ của phòng Văn hóa Thông tin TP Nam Định. Từ tháng 7.1991 là giảng viên giảng
dạy Mỹ thuật tại Trường Cao đẳng VHNT tỉnh Hà Nam Ninh. Tháng 7.2010 nghỉ hưu.
Hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh.
Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội
viên Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
…Lại nói tháng 7. Năm 1971, nhiều người
bạn cùng trang lứa với tôi nghe lời kêu gọi "Xẻ dọc Trường Sơn" vào
Nam chiến đấu. Tôi và các bạn khác lại "Cắt ngang Trường Sơn" để tình
nguyện giúp bạn Lào chống kẻ thù chung. Chúng tôi ở Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng,
nơi đây có 2 con dốc làm tôi nhớ đời đó là dốc Mã tử và dốc Voi phục (Ngựa và
Voi đều không qua được các dốc này, leo qua đây đều chết). Năm ấy, tôi cùng 8 đồng
đội do chuẩn úy Long (người Quảng Nam) chỉ huy, dẫn đường vào mặt trận, hành
quân đường bằng đã cực,đằng này leo dốc, xuống dốc cực chưa từng thấy, ba lô,
súng đạn, gạo trên lưng (khoảng 25 đến 30 kg). Chúng tôi leo dốc, 2 tay bám vào
từng gốc, từng rễ cây, ngọn cỏ mà leo, từ sáng đến trưa thì lên tới đỉnh dốc,
ngồi nghỉ khoảng nửa tiếng, mỗi người dùng dao găm chặt cây làm một cái gậy (trong
văn, thơ, nhạc được gọi là gậyTrường Sơn) để làm phanh khi xuống. Xuống dốc thì
trọng lực lúc nào cũng muốn lao về phía trước, dốc đứng, đường trơn, lúc bò, lúc
đi lùi thậm chí còn ngồi bệt xuống cho nó trượt thật đúng là “mông bộ đội”. Xuống
hết dốc cũng phải mất 3 giờ đồng hồ, nghỉ ngơi, tháo giày 10 đầu ngón chân phồng
rộp mọng nước chảy máu, chúng tôi lại chuyển sang dép cao su để đi. Cứ mỗi lầ
được nghỉ là tôi và các đồng đội nhanh chóng cởi áo quần để bắt những con vắt
còn bám trên người, con nào cắn no thì nó tự rơi xuống. Lúc hành quân mà thấy
trong người chỗ nào nong nóng là máu đã chảy và vắt đã rơi rồi. Ai ít cũng dăm,
bảy con nhiều cũng phải vài chục con. Người đi đầu là vắt bám ít nhất.
Đồng đội nào đã qua 2 dốc Mã tử và Voi
phục thì cùng chia sẻ nhé: những năm tháng không quên.
Họa sĩ Lê Minh Châu
(BS LÊ LỢI – CCB f968)