KÝ ỨC VỀ NHỮNG NGÀY CẦM SÚNG TRÊN ĐẤT BẠN LÀO !
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng trong ký ức
những CCB quân tình nguyện, thời gian sống, chiến đấu, công tác trên đất bạn
Lào vẫn luôn là khoảng thời gian vô cùng đáng nhớ.
Mỗi dịp được gặp nhau, trò chuyện về
những năm tháng cùng chia ngọt sẻ bùi trong sự đùm bọc của nhân dân các bộ tộc
Lào, mỗi CCB quân tình nguyện như được sống lại một thời gian khổ nhưng đầy tự
hào về cuộc chiến chính nghĩa, về tình cảm gắn bó máu thịt, thủy chung giữa
quân đội, nhân dân hai nước! Trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ
quốc, ngay từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, lực lượng quân sự và chuyên
gia thuộc nhiều ngành của Việt Nam đã có mặt thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả tại
đất nước Lào anh em. Tháng 10/1949 Ban thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông
Dương quyết định các lực lượng quân sự của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ Quốc tế
tại Lào được tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện.
Việc giúp nước bạn Lào được xác định như là" giúp chính mình", do vậy
hàng chục vạn chuyên gia, cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam đã không
quản ngại khó khăn, gian khổ, chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hy sinh chống kẻ thù
chung, giành và bảo vệ vững chắc nền độc lập của hai dân tộc. Trải qua các thời
kỳ, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam đã phát huy truyền thống quân đội anh
hùng, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, cùng nhân dân và các lực lượng vũ
trang Lào chiến đấu, chiến thắng kẻ thù chung. Qua thống kê, cả nước có hơn 5 vạn
cán bộ chiến sỹ bị thương, hơn 4 vạn cán bộ chiến sỹ hy sinh trên đất bạn Lào.
Riêng Hà Nam có hàng ngàn người con đứng trong hàng ngũ các đơn vị quân tình
nguyện và chuyên gia quân sự trực tiếp góp sức giúp cách mạng Lào. Các đồng chí
đã dũng cảm chiến đấu, công tác, lập công xuất sắc, nhiều người đã ngã xuống
trên đất bạn.
Là
một trong những người từng tham gia "Chiến dịch Z"- Chiến dịch giải
phóng Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng mùa khô năm 1971, CCB Phạm Văn Khiêm, xã Thanh
Phong( Thanh Liêm), Trưởng Ban Liên lạc Quân tình nguyện và chuyên gia VN tại
Lào tỉnh Hà Nam kể:
“… Tháng 5/1971, tôi nhập ngũ vào đơn vị
thuộc tiểu đoàn 371, Quân khu Tây Bắc. Tháng tám năm ấy, sau đợt huấn luyện đặc
biệt, tôi được điều động bổ sung vào Trung đoàn 335, Quân khu Tây Bắc chuyên thực
hiện nhiệm vụ giúp cách mạng Lào. Nhận lệnh, đơn vị tôi hăm hở lên đường hành
quân sang nước bạn , bắt đầu những năm
tháng sống chiến đấu, công tác trên đất nước Triệu Voi. Trong chiến tranh gian
khổ ác liệt, giành giật từng tấc đất, từng quả đồi với quân địch, sống trong chốn
" rừng thiêng, nước độc" nhưng điều ấn tượng với tôi và các đồng đội
thời kỳ đó là tình cảm chân thành, nồng hậu của nhân dân Lào đối với bộ đội
tình nguyện Việt Nam. Mỗi khi có dịp hành quân qua làng bản, bà con các bộ tộc
Lào chào đón bộ đội tình nguyện Việt Namnhư những người con thân thiết trở về
gia đình, luôn giành cho các anh những điều kiện ăn ở tốt nhất. Chính điều đó
đã tiếp thêm nghị lực, là nguồn cổ vũ động viên những người lính quân tình nguyện
Việt Nam khắc phục khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt mà
Đảng, nhà nước , quân đội tin tưởng giao phó. Trong câu chuyện sôi nổi đong đầy
cảm xúc hoài niệm của những CCB quân tình nguyện Việt nam trong cuộc gặp mặt gần
đây có nhiều chi tiết thật ấn tượng, xúc động. Với CCB Đỗ Quang Hịch ( thôn
Sông, xã Liêm Thuận, Thanh Liêm) hình ảnh mà ông nhớ mãi và còn lưu lại gần như
vẹn nguyên tới tận bây giờ là tấm ảnh thời trai trẻ của mình tại chiến trường
Lào do các nhà báo quân đội thực hiện sau một trận chiến đấu ác liệt. Trận chiến
đó diễn ra vào đêm mồng hai Tết Mậu Ngọ 1978, đơn vị ông được giao nhiệm vụ phối
hợp giải phóng Nậm Pênh( một vị trí quan trọng thuộc tỉnh Xiêng khoảng) . Đại đội
ông phụ trách mũi tấn công chủ yếu đánh Đồi Xanh, cao điểm 1690, hai chốt phòng
thủ quan trọng bảo vệ Nậm Pênh. Khoảng 5 giờ sáng, bộ đội ta triển khai xong đội
hình và được lệnh nổ súng, tạo đòn phủ đầu bất ngờ với quân địch. Mũi tấn công
phát triển thuận lợi, các đơn vị quân tình nguyện phối hợp đánh tan đội hình địch,
một số quân địch còn lại chạy tán loạn. Thừa thắng, đơn vị cơ động nhanh đánh
tiếp vào Mường Om, thọc sâu vào Thẳm Lô chiếm điểm cao 1822 và tổ chức chốt chặn
quân địch tại đây. Gần sáng hôm sau địch tổ chức quân phản kích hòng chiếm lại
Điểm cao 1822. Giằng co gần hai giờ , cuối cùng địch không những không đạt được
ý đồ mà còn tổn thất nặng nề, buộc chúng phải rút lui, quân ta giữ vững chốt.
Sau trận đánh ấy, đơn vị ông Hịch được tuyên dương khen thưởng, các nhà báo
trên mặt trận lập tức lên chốt thu thập thông tin kết quả trận đánh, ghi lại
hình ảnh cán bộ chiến sỹ đại đội 11 , tiểu đoàn 3 ,trung đoàn 335 trong niềm
vui chiến thắng( nhà báo tên Đồng). Trong tấm ảnh còn được trân trọng lưu giữ đến
tận bây giờ, ông Hịch cùng những đồng đội thân yêu của mình rạng ngời với nét mặt
hân hoan bởi niềm vui lập công xuất sắc. Những chiến công đó góp phần vào thắng
lợi của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và bảo vệ Tổ quốc của hai dân tộc Việt -Lào
anh em. Với CCB Phạm Văn Khiêm, Đỗ Quang Hịch và nhiều đồng đội đã từng là quân
tình nguyện và chuyên gia quân sự giúp cách mạng Lào, quãng thời gian cầm súng
trên xứ sở Triệu Voi dường như không hề cảm thấy khoảng cách địa lý xa xôi giữa
hai đất nước mà như được sống, công tác, chiến đấu trên chính quê hương, đất nước
mình. Bởi thế , tới tận bây giờ mỗi tên núi, tên bản, mỗi căn cứ, mỗi điểm
cao...trên đất nước bạn Lào anh em vẫn còn in đậm trong tâm trí những người CCB
quân tình nguyện Việt nam. Những kỉ niệm trong cuộc đời quân ngũ ấy sẽ maìla niềm
tự hào đối với môĩCCB quân tình nguyện, góp phần tô thắm truyền thống tốt đẹp
láng giềng hữu nghị Việt -Lào" Mãi mãi xanh tươi đời đời bền vững".
Câu chuyện về một thời chinh chiến của những CCBQTN năm xưa
Phương Dung (Báo Hà Nam)
Ghi theo lời kể của CCB Phạm Văn
Khiêm và Đỗ Quang Hịch