QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN LÀO 75 NĂM CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH.

             

snapedit_1705503781553.jpg


QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN LÀO

75 NĂM CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH.

 

       Quân đội Nhân dân Lào (Kongthap Pasaxon Lao) là tên gọi của lực lượng vũ trang chính quy Lào, giữ trọng trách bảo vệ đất nước. Về danh nghĩa, Quân đội Nhân dân Lào đặt dưới quyền tổng thống lĩnh của Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và chịu sự quản lý về mặt hành chính của Bộ Quốc phòng Lào. Về chính trị, Quân đội Nhân dân Lào chịu sự lãnh đạo của Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

          Có quy mô không lớn, nên trên thực tế Quân đội Nhân dân Lào không phân chia thành các nhánh quân chủng như hầu hết các quân đội quốc gia khác trên thế giới. Là một quốc gia nội lục, Quân đội Nhân dân Lào duy trì nhánh binh chủng Thủy quân Nhân dân Lào để đảm trách nhiệm vụ tuần tra trên sông, chủ yếu ở các khu vực biên giới giáp với Thailand. Binh chủng Không quân Quân đội Nhân dân Lào có quy mô nhỏ so với các quốc gia láng giềng, dù đã có những nỗ lực mua sắm hiện đại hóa trong những năm gần đây. Một nhánh vũ trang khác là lực lượng An ninh Nhân dân Lào, dưới quyền quản lý hành chính của Bội Nội vụ Lào; có thể được điều động đặt dưới quyền chỉ huy của Quân đội Nhân dân Lào trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

            Do đặc điểm lịch sử và địa lý, Quân đội Nhân dân Lào có mối liên hệ chặt chẽ về tất cả mọi mặt với Quân đội Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là công tác huấn luyện và trang bị. Trong những năm gần đây, Quân đội Nhân dân Lào cũng có thêm điều kiện để đa dạng hóa, đổi mới các trang thiết bị hiện đại hơn từ các nước có quan hệ truyền thống như Nga, Trung Quốc, Việt Nam.

     Lịch sử ghi nhận rằng, sau Thế chiến thứ hai, chính quốc Pháp hầu như kiệt quệ, trông mong vào việc khai thác tài nguyên từ các thuộc địa cũ để phục hồi. Tuy nhiên, ở thuộc địa cũ tại Đông Dương, vùng tài nguyên trù phú nhất của thực dân Pháp, lại trỗi lên phong trào độc lập do Việt Minh lãnh đạo, với nòng cốt là những người Cộng sản Việt, Lào và Campuchia, tập hợp trong tổ chức chính đảng Đảng Cộng sản Đông Dương, chống lại bất kỳ ý đồ nào của người Pháp hòng đưa Đông Dương trở lại vị thế thuộc địa.

       Ban đầu, cuộc chiến tranh giữa thực dân Pháp và phong trào độc lập Đông Dương chủ yếu chỉ bùng mạnh mẽ ở trên lãnh thổ nước Đại Nam xưa. Nhằm mở rộng chiến trường và làm phân tán nguồn lực của người Pháp, các nhà lãnh đạo Cộng sản Đông Dương đã quyết định mở rộng quyền lãnh đạo và tự chủ kháng chiến cho mỗi nước, hình thành các đảng cộng sản và thành lập các đội quân vũ trang đặt dưới sự lãnh đạo của đảng đó để chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài.

          Tại Lào, vào ngày 20 tháng 1 năm 1949, tại căn cứ Xiềng Khọ (Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn), theo quyết định của Đảng Cộng sản Đông Dương, một cuộc họp được tổ chức nhằm thống nhất các toán vũ trang cộng sản Lào, thành một tổ chức quân sự chung, lấy tên gọi Bộ đội Latsavong do Lãnh tụ Kaysone Phomvihane làm chỉ huy trưởng. Đây được xem là khởi thủy của Quân đội Nhân dân Lào và ngày 20 tháng 1 năm 1949 được chọn là ngày thành lập Quân đội Nhân dân Lào.

Với sự hỗ trợ của Việt Minh, lực lượng Latsavong nhanh chóng mở rộng quy mô, thành lập các chiến khu ở Thượng Lào, Đông Bắc Lào và Tây Lào. Tháng 8 năm 1950, tổ chức Neo Lào Issara được thành lập theo mô hình Mặt trận Liên Việt ở Việt Nam, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp ở Lào. Bộ đội Latsavong cũng được đổi tên thành Bộ đội Lào Issara phối hợp tác chiến với QĐNDVN trong các hoạt động chống lại quân Pháp và lực lượng phụ trợ Quân đội Hoàng gia tại Lào.

         Tuy nhiên, tình hình thay đổi kể từ sau khi phía Quân đội Nhân dân Việt Nam thực hiện thành công Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, liên thông với các căn cứ của Neo Lào Issara ở Thượng Lào và Đông Bắc Lào. Lực lượng bộ đội Lào Issara cũng được mở rộng và phát triển quy mô tác chiến. Đầu năm 1953, liên quân Quân đội Nhân dân Việt Nam và bộ đội Lào Issara thực hiện Chiến dịch Thượng Lào, với vai trò chính do Quân đội Nhân dân Việt Nam đảm trách, đã mở rộng được khu vực kiểm soát của chính phủ kháng chiến Lào ra hai tỉnh Sầm NưaXiêng Khoảng, tạo bước ngoặt quan trọng cho phong trào độc lập dưới sự lãnh đạo của những người Cộng sản Lào.

      Thắng lợi của liên quân Việt - Lào trong chiến dịch Thượng Lào đã tác động rất lớn trong biến chuyển chiến lược của Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong Chiến cục Đông Xuân 1953–1954. Trong chiến cục Đông Xuân 1953–1954, bộ đội Lào Issara giữ vai trò hỗ trợ tích cực cho Quân đội Nhân dân Việt Nam trong các hoạt động phá vỡ Kế hoạch Navarre, tạo tiền đề dẫn đến trận quyết chiến trận Điện Biên Phủ một năm sau đó với thắng lợi hoàn toàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam, buộc người Pháp phải ký Hiệp định Genève, 1954 và rút quân khỏi Đông Dương.

          Căn cứ Hiệp định Genève, Các lực lượng của Pathet Lào (bao gồm cả bộ đội Lào Issara) được tập kết về hai tỉnh Hủa PhănPhong Xa Lỳ. Chính phủ kháng chiến Lào được giải thể để chuẩn bị cho bầu cử tự do thống nhất. Tuy nhiên, bất chấp các kết quả thương lượng giữa Pathet Lào và chính phủ Hoàng gia Lào, từ tháng 10 năm 1954 đến cuối tháng 8 năm 1956, lực lượng quân đội Hoàng gia Lào đã tiến công 685 trận lớn nhỏ vào căn cứ của Pathet Lào.

            Những người Cộng sản Lào phản ứng, tuyên bố tẩy chay bầu cử ở hai tỉnh Sầm Nưa và Xiêng Khoảng. Họ thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (1955) và Neo Lào Hak Xat (Mặt trận Lào yêu nước, 1956), nhằm mục đích ban đầu tham gia tranh cử. Bên cạnh đó, một đội quân vũ trang trên cơ sở bộ đội Lào Issara (đã giải thể về danh nghĩa), lấy tên gọi là Bộ đội chiến đấu Lào, cũng được tổ chức lại năm 1956, nhằm phản công các cuộc tấn công của quân đội Hoàng gia Lào, bảo vệ các vùng kiểm soát của Pathet Lào.

         Ngày 21 tháng 3 năm 1956, sau khi tái nhiệm Thủ tướng, Hoàng thân Souvanna Phouma đã mở một cuộc đối thoại với người anh em của mình, Hoàng thân Souphanouvong để thống nhất lãnh thổ Lào. Chính phủ Hoàng gia Lào (cánh hữu), phái trung lập và Neo Lào Hak Xat (cánh tả) sau các cuộc đụng độ đã miễn cưỡng ký kết Hiệp định Viêng Chăn, đi đến thành lập chính phủ liên hiệp Lào một năm sau đó. Một số đơn vị của Bộ đội chiến đấu Lào cũng được sát nhập vào quân đội Hoàng gia Lào,  cũng như một bộ phận lực lượng Pa thét Lào đã ra công khai hoạt động hợp pháp, tuyên truyền mở rộng uy tín của Neo Lào Hắc Xạt.

       Nhằm đối phó với âm mưu xâm lược của Mỹ, từ năm 1955 đến 1962, Đảng Nhân dân cách mạng Lào tập trung xây dựng và củng cố lại lực lượng vũ trang Pa-thét Lào, phát triển từ 4 tiểu đoàn và một số đại đội địa phương tỉnh lên 15 tiểu đoàn bộ binh, 36 đại đội độc lập của tỉnh và 64 trung đội bộ đội địa phương huyện; đồng thời bắt đầu xây dựng một số đơn vị binh chủng như pháo binh, công binh, thông tin, trinh sát, tăng thiết giáp…Giai đoạn này LLVT PathetLao được gọi là Quân đội Giải phóng nhân dân Lào.

         Với những nỗ lực của lực lượng vũ trang cách mạng, lực lượng trung lập yêu nước và sự phối hợp có hiệu quả của quân tình nguyện Việt Nam,  Quân đội giải phóng nhân dân Lào đã đẩy lùi được nhiều đợt tiến công của quân nguỵ, phá nhiều ổ nhóm phỉ… Vùng giải phóng được giữ vững và không ngừng mở rộng.

       Trên đà thắng lợi, từ năm 1971, các lực lượng vũ trang Lào đã phối hợp chặt chẽ với Quân đội nhân dân Việt Nam đập tan lực lượng tiến công của địch ở đường 9 – Nam Lào; mở cuộc tiến công địch ở Pắc xoòng, giải phóng cao nguyên Bô-lô-ven; đập tan đợt phản kích của lực lượng đặc biệt Vàng Pao, bảo vệ khu vực chiến lược Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng…

        Những thắng lợi quân sự liên tiếp trên chiến trường Lào cũng như ở Cam-pu-chia và Việt Nam, cùng những thắng lợi to lớn trên mặt trận đấu tranh ngoại giao đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, Hiệp định Viêng Chăn về Lào, tạo thời cơ đưa cách mạng Lào tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

          Mùa xuân năm 1975, ở Lào đã xuất hiện hình thái nổi dậy của nhân dân và binh biến trong quân đội ngụy, đồng thời những thắng lợi to lớn của quân dân Việt Nam và Cam-pu-chia đã tạo điều kiện thuận lợi đối với cách mạng Lào. Ngày 5-5-1975, Đảng Nhân dân cách mạng Lào kịp thời hạ quyết tâm chiến lược phát động toàn quân, toàn dân đồng loạt nổi dậy và tiến công toàn diện đề giành chính quyền trong cả nước.

        Thực hiện quyết tâm của Đảng, Quân giải phóng nhân dân Lào với thế trận đã bố trí sẵn, tạo sức ép mạnh về quân sự để hỗ trợ đắc lực cho các tầng lớp nhân dân nổi dậy đấu tranh, đập tan hệ thống ngụy quân, ngụy quyền, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân ở các vùng bị chiếm cũ. Đại hội đại biểu nhân dân các dân tộc cả nước do Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào triệu tập đã tuyên bố xoá bỏ chế độ quân chủ, thiết lập chế độ cộng hoà nhân dân. Ngày 2-12-1975, nước Cộng hoà dân chủ nhân Lào ra đời, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, đưa cách mạng Lào bước sang một giai đoạn mới: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

          Và trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước

        Sau khi đất nước được giải phóng, Đảng Nhân dân cách mạng và Chính phủ Lào luôn chú trọng chăm lo, củng cố, xây dựng và phát triển khả năng quốc phòng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang, sẵn sàng ứng phó và đập tan các cuộc bạo loạn, gây rối của các lực lượng phản động, đánh trả các hành động vũ trang khiêu khích, lấn chiếm biên giới của kẻ thù, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Những hoạt động của lực lượng vũ trang đã góp phần giữ vững an ninh quốc gia, tạo điều kiện ổn định để đất nước thực hiện thắng lợi kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Để ghi nhận những công lao to lớn của Quân đội giải phóng nhân dân Lào trong chiến đấu cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhà nước Lào đã hai lần tặng thưởng Huân chương Vàng quốc gia cho quân đội - phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào đồng thời chính thức mang tên QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN LÀO cho đến nay.

        Trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, Quân đội nhân dân Lào không những là lực lượng trung thành tuyệt đối của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ sự nghiệp lao động sáng tạo của nhân dân, mà còn phát huy truyền thống tốt đẹp là quân đội nhân dân, vừa chiến đấu giỏi, vừa tích cực tham gia xây dựng kinh tế, kết hợp quốc phòng với kinh tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

          Trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn sát cánh cùng với Quân đội nhân dân Lào. Thấm nhuần tinh thần quốc tế vô sản của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội Việt Nam luôn nêu cao tinh thần “giúp nhân dân nước bạn như giúp mình”, đoàn kết chặt chẽ với quân dân Lào, trân trọng, bảo vệ, giữ gìn và không ngừng chăm lo, củng cố, phát triển quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc và quân đội hai nước. Đó là điển hình mẫu mực liên minh giữa quân đội hai nước có chủ quyền, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, là tài sản vô cùng quý báu, sẽ mãi mãi được phát huy, góp phần đưa quan hệ đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt – Lào phát triển lên tầm cao mới vì hạnh phúc của nhân dân mỗi nước.

        Trước tình hình mới, mối quan hệ, hợp tác quốc tế, hữu nghị giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội nhân dân Lào đòi hỏi phải được tăng cường và phát triển lên một bước mới theo hướng toàn diện, chặt chẽ và hiệu quả, vừa kế thừa và phát huy truyền thống đã có, vừa điều chỉnh đổi mới về nội dung, phương pháp quan hệ, hợp tác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng mỗi nước. Cách mạng hai nước đã có sự chuyển biến khác trước, nhưng nhiệm vụ quân đội hai nước về cơ bản vẫn là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc công cuộc xây dựng đất nước. Dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, với sự nhất trí cao về quan điểm và các vấn đề lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước là yếu tố cơ bản bảo đảm cho mối quan hệ đặc biệt giữa quân đội hai nước không ngừng củng cố và phát triển.

          75 năm qua, chặng đường đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào được đánh dấu bằng nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, quan hệ giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với Quân đội nhân dân Lào đang đứng trước những thuận lợi và những thách thức, khó khăn mới. Song, quân đội hai nước đang tiếp tục phấn đấu, đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, góp phần đưa quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt vĩ đại liên minh chiến đấu, hợp tác toàn diện giữa quân đội và nhân dân hai nước phát triển lên một tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới./.

 

                                                                                       PV


qdl1.jpg


qdl3.JPG


DSC_4981.JPG

 



  • Bản quyền thuộc: Ban Liên lạc Toàn quốc Cựu Quân tình nguyện & Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào
     (79-81 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
    Địa chỉ ban biên tập: Số 1 An Dương, Quận Tây Hồ, Hà Nội
    Hộp thư điện tử: banbientapwqtn@gmail.com
    Trưởng ban Biên tập: Chuyên viên cao cấp - Đại sứ Lê Mai
    Phó trưởng ban Biên tập - 
    Quản trị Website : Trung tá Bùi Minh Sơn
  • Số người đang online: : 2
    Tổng số lượt truy cập: 462564
    Copyright @ 2016. Designed by DTC