Thế là một cái Tết nữa lại đến với chúng
tôi, những người lính của đại đội 15, trung đoàn 134, Bộ tư lệnh thông tin liên
lạc đang làm nhiệm vụ tại nước bạn Lào. Đó là cái Tết Quý Sửu 1973. Cuối năm 1970, chấp hành mệnh lệnh của
cấp trên, trung đoàn 134 đã thành lập một đại đội có nhiệm vụ triển khai và bảo
vệ tuyến đường cáp thông tin nhằm phục vụ Đoàn 959 và Bộ tư lệnh quân khu của
bạn chỉ huy các lực lượng quân đội giải phóng nhân dân Lào và quân tình nguyện
Việt Nam chống lại âm mưu của địch hòng lấn chiếm vùng giải phóng Xiêng Khoảng
– Cánh đồng Chum. Đó là đại đội 15 của chúng tôi.
Đại đội 15 có 2 trung đội: trung đội 4
và trung đội 5 nối tiếp với 3 trung đội của đại đội 14 kéo dài từ Đô Lương,
Nghệ An sang đến Noọng Hét (Lào) bao gồm số cán bộ khung (từ tiểu đội trưởng
trở lên) lấy từ các đại đội trong trung đoàn, lớp tân binh quê ở Thái Bình và
lớp sinh viên hai trường đại học cơ điện Thái Nguyên và đại học bưu điện. Đại
đội chúng tôi rải dây tiếp đến tận Phôn Xa Vẳn (nay là thị xã tỉnh Xiêng
Khoảng) biên chế thành 4 trạm cơ vụ và 8 tổ bảo vệ. Tôi được biên chế về trung
đội 5. Ban đầu vì yêu cầu khẩn trương của chiến dịch, chúng tôi dùng dây bọc dã
chiến nhưng như thế thì chất lượng không được tốt và hơn nữa, lúc đó lại đang
là mùa khô, chỉ cần một tàn lửa vứt vào đám cỏ bên đường là cả một đồi tranh
bốc cháy dữ dội, đường dây bị cháy chập lung tung. Sau đó trung đoàn đã cho
thay thế bằng loại cáp FFK60, được chôn ngầm xuống đất để khỏi lộ và chống
cháy.
Tổ bảo vệ của tôi đóng quân tại nơi có
khí hậu thuộc vào loại tốt nhất tỉnh Xiêng Khoảng. Mùa khô không đến nỗi rét
lắm, mùa mưa thì mát mẻ. Nơi đây có những cánh rừng thông rộng mênh mông ngày
đêm reo vi vu trong gió. Thông nhiều đến nỗi tỉnh Xiêng Khoảng có hẳn một huyện
gọi là huyện Thông (Mường Pẹc). Mỗi khi xuân về, thông nhú chồi non trông như
những ngọn nến xinh xinh xanh mơn mởn. Gần nơi chúng tôi ở có một bản người dân
tộc Khơ Mú hay còn gọi là Lào Cang (người Lào ở lưng chừng núi). Bản lưa thưa
chỉ có năm, sáu nóc nhà nằm rải rác ẩn hiện dưới những lùm cây mận, cây đào
đang độ ra hoa vừa trắng vừa hồng nom thật thơ mộng. Mùa xuân ở đây, nếu không
có tiếng máy bay trinh sát OV-10 suốt ngày vè vè đến là khó chịu, tiếng máy bay
phản lực Mỹ gầm rú, tiếng bom nổ ì ầm đâu đó thì phong cảnh thật là hữu tình
thanh bình giống như bản chất hiền lành của người dân Lào vậy. Chả thế mà mùa xuân,
tiếng Lào gọi là nham đoọc mạy ban có nghĩa là mùa hoa nở.
Chúng tôi đến đóng quân ở đây đã nhanh
chóng đặt quan hệ tình cảm giữa tha hản xư xản Việt Nam (bộ đội thông tin Việt
Nam) với người dân địa phương. Việc quan trọng nhất lúc bấy giờ là đem lương
khô, thịt hộp và muối ra đổi lấy rau tươi cải thiện bữa ăn, tăng lượng
vi-ta-min C cho anh em và tranh thủ học tiếng Lào. Tôi được cái là có năng
khiếu ngoại ngữ nên học tiếng khá nhanh. Mỗi khi có thủ trưởng cấp trên đến
thăm tổ là tôi đưa ra bản chơi và tạm phiên dịch được. Trong bản có một ông tà sẻng (tương đương với chức chủ tịch
xã ở ta), ông cho biết trước đây dân cư cũng khá đông đúc, sống thành một xã.
Nhưng trong chiến dịch Cù Kiệt (Gỡ lại danh dự) 1970, giặc Mỹ và bọn tay sai
Vàng Pao đã dùng máy bay lên thẳng xúc dân đưa về các trại tỵ nạn trong vùng do
chúng kiểm soát. Chỉ có một số ít chạy thoát, được bộ đội Việt Nam dùng ô tô
đưa về Con Cuông, Nghệ An. Sau khi quân đội giải phóng nhân dân Lào và bộ đội
tình nguyện Việt nam chiến đấu giành lại vùng giải phóng Xiêng Khoảng – Cánh
đồng Chum, họ mới trở về quê hương dựng lại làng bản, phục hồi sản xuất. Mặc dù
mới trở về chưa đầy hai năm, cuộc sống còn vô cùng khó khăn vát vả, nhưng những
người dân Lào ở đây vẫn hết lòng giúp đỡ chúng tôi từ hạt giống rau, con gà,
con chó cho đến rèn cho chúng tôi những cây dao quắm để đi rừng.
Sau gần hai năm chúng tôi đã có “của ăn,
của để”. Chúng tôi xin được một mảnh ruộng để cấy lúa nếp. Vào vụ xuống đồng,
chúng tôi đi cấy giúp dân bản để một ông phò
thậu (bố già) mang trâu đến cày bừa hộ chúng tôi, mạ thì xin mỗi nhà một
ít. Đến mùa lúa chín, ra bản mượn liềm về gặt. Không cần biết năng suất thế
nào, nhưng cứ nhìn bốn thùng phuy chứa đầy thóc là chúng tôi sung sướng lắm
rồi. Gà thì nhiều không cần biết có bao nhiêu con. Chúng tôi nuôi đến ba con
chó nên không sợ cáo đến rình mò bắt gà. Trong chuồng có hai chú lợn béo núc na
núc ních. Bắt chước người Lào, chúng tôi lấy một sợi dây đo vòng quanh ngực của
con lợn, sau đó chập đôi lại và dùng nắm tay để đo sợi dây đó, mỗi nắm tay
tương đương mười cân. Một con được “năm nắm tay” và một con được “bốn nắm tay”.
Vườn rau của chúng tôi thôi thì đủ các loại: cải xanh, cải trắng, cải củ, su
hào, cải bắp ăn không xuể. Chúng tôi muối thành dưa để viện trợ cho mấy tổ mới được
thành lập thuộc trung đội 7 phía trong Cánh đồng Chum. Mùa khô cuối năm 1972,
theo đà tổng tiến công của quân ta, đại đội 15 chúng tôi đã phát triển thêm 3
trạm cơ vụ và 6 tổ bảo vệ, vị chi là 6 trạm và 14 tổ, trong đó có một trạm được
vinh dự phục vụ ông Si-sa-vạt Kẹo-bun-phăn, tư lệnh quân khu Xiêng Khoảng –
Cánh đồng Chum, nay là Chủ tịch Mặt trận xây dựng đất nước Lào và một trạm chỉ
còn cách căn cứ Sảm Thông của phỉ Vàng Pao chưa đầy chục cây số.
Đầu năm 1973, ô tô của trung đoàn chở
thêm cáp và lương thực, thực phẩm sang cho đại đội dự trữ trong mùa mưa. Xe đổ
hàng cho tổ tôi ở một bãi ngoài bìa rừng cạnh đường số 7 cách nhà khoảng ba cây
số. Hàng nhiều đến nỗi đại đội phải điều thêm một tổ xung kích đến giúp chúng
tôi vận chuyển về tổ. Chúng tôi động viên nhau cố gắng mang hết hàng về thật
nhanh gọn để còn có thời gian chuẩn bị đón Tết.
Công việc chuyên môn của chúng tôi như
thay những cuộn cáp có từ hai mối nối trở lên, hàn lại những mối nối không đạt
chất lượng, lau đầu cáp đã hoàn tất, chúng tôi bắt tay vào lo cho cái Tết. Gọi
là lo nhưng thật ra mọi cơ sở vật chất đã khá đầy đủ. Thóc nếp có, chỉ việc
mang ra bản giã nhờ. Người Lào không có cối xay như ở ta mà chỉ có cái cối dậm
bằng chân. Thóc cho vào cối, giã lượt đầu cho bong vỏ trấu xong mang ra sảy,
sau đó lại cho vào cối giã lần thứ hai đến khi nào trắng thì thôi. Đỗ xanh cũng
có. Đỗ xanh là của binh trạm cung cấp cho đơn vị ngâm lấy giá ăn hàng ngày.
Lợn, gà đã sắn trong chuồng. Lá dong mọc đầy khe suối, chỉ đi một lúc là cắt
được về hàng ôm. Còn thiếu rượu, ngày Tết mà không có tý rượu thì mất vui. Tôi
ra bản xin men và hỏi cách làm cơm rượu. Gạo nếp đồ lên thành cơm, để nguội,
bóp vụn men rắc vào, trộn đều rồi cho vào thùng lương khô, quấn bao tải xung
quanh ủ cho đến khi nào cơm rượu chảy nước, dạy mùi thơm thì thôi.
Sáng hôm ấy, tôi gánh hai thùng lương
khô đựng đầy cơm rượu và một xâu bi đông đến nhà ông tà sẻng mượn nồi niêu, đồ nghề nấu nhờ. Tôi trút cơm rượu vào một
cái nồi to, đặt cái để hứng rượu có đường ống chảy ra ngoài lên miệng nồi và
một nồi nước lạnh chồng lên trên cùng. Sau đó tôi nhào tý đất ướt trét kín xung
quanh miệng nồi bên dưới và bắt đầu “nổi lửa lên em”. Được một lúc, tôi bỗng
ngửi thấy có mùi khen khét của cơm khê. Tôi vội gọi ông tà sẻng cầu cứu. Ông cười bảo chắc là do tôi quên chưa cho thêm
nước lã vào rồi. Ông bảo tôi cầm cái chậu chạy xuống suối cạnh nhà múc nước còn
ông dỡ nồi nước lạnh bên trên ra. Tôi mang nước về, ông đổ ngay vào nồi cơm
rượu và lấy đũa cả ngoáy đều lên, sau đó đậy điệm tất cả và trét đất lại như
cũ. Tôi lại thổi lửa lên. Chỉ mươi phút sau, một dòng nước trong vắt theo đường
ống chảy long tong vào chiếc bi đông mà tôi đã hứng sẵn ở ngay đầu ống. Tôi háo
hức lây một cái chén con hứng một tý nếm thử. Một hương vị cay cay, tê tê, ngọt
ngọt của rượu ngay đầu lưỡi làm tôi sung sướng. Thế là một thằng con trai ở nơi
“đất thánh” Hà Nội, lần đầu tiên trong đời đã biết cách nấu rượu. Cứ đầy một bi
đông tôi lại nếm. Được bốn bi đông tôi nếm thấy nhạt. Tôi kêu lên: “Chứt lẹo! (Nhạt rồi!)” và dập lửa không
lấy thêm nữa. Tôi đổ tất cả bốn bi đông từ “nước đầu” đến “nước cuối” vào một
cái nồi và khoắng đều, sau đó dồn trở lại vào bi đông mang về. Trước khi về,
tôi không quên đi đến từng nhà người dân trong bản để mời sáng mùng một Tết vào
kin khậu xa ma khi (ăn cơm đoàn kết)
với bộ đội Việt Nam. Người Lào đón Tết năm mới không cùng với chúng ta mà diễn
ra vào khoảng trung tuần tháng Tư dương lịch tức là vào thời điểm bắt đầu mùa
mưa. Bun pi may (Tết năm mới) hay còn
gọi là Bun hốt nậm (Tết té nước).
Ngày hôm đó, người dân Lào mang những bình nước chứa đầy những cánh hoa thơm
đến chùa tắm cho tượng Phật, sau đó té dội lên người nhau và khách qua đường.
Họ cho rằng phải thật ướt mới gặp nhiều may mắn.
Còn một việc khá quan trọng là phải lo
trang hoàng nhà cửa và làm báo tường. Việc trang trí nhà cửa thì cũng tùng tiệm
vì là vẫn trong hoàn cảnh chiến trường. Chỉ cần ra bản xin một cành đào về cắm
vào thùng lương khô, thế là đã ra không khí Tết lắm rồi. Tổ tôi có năm anh em.
Tôi khoán cho mỗi người phải viết hai bài báo tường. Còn nhớ ngày mùng một Tết
năm ấy trùng với ngày kỷ niệm thành lập Đảng mùng ba tháng hai, tôi viết một
bài “xã luận” với nội dung là “Mừng Đảng, Mừng Xuân” và một bài ca dao theo
kiểu thơ Bút Tre:
Ai về mười tám tổ tôi
Có dòng suối chảy ven đồi cây xanh
Chim rừng ríu rít vây quanh
Ngàn hoa khoe sắc chào anh đường dầy (đường dây).
Sáng ba mươi Tết, chúng tôi tập trung làm
thịt một chú lợn, gói bánh chưng. Vì toàn con trai nên việc gói bánh đối với
chúng tôi quả là khó khăn. Cậu Minh (quê ở Phú Thọ) có sáng kiến đóng một cái
khuôn bằng gỗ, sau đó xếp lá dong vào, tra gạo, đỗ, thịt rồi gói lại. Tuy lỏng
một chút nhưng trông cũng vuông vắn, góc nào ra góc nấy.
Bóng chiều của dãy núi Phu He cao sừng
sững ngay phía trước nhà đổ dài trên những tràn ruộng còn trơ gốc ra của bản
Nậm Cọ. Gió xuân lành lạnh lùa vào cánh rừng sau nhà nghe xào xạc xen lẫn tiếng
suối chảy róc rách rì rào. Chúng tôi tranh thủ bắc bếp luộc bánh chưng để khỏi
phải thức đêm. Bữa cơm tất niên chiều hôm ấy có món đặc sản tiết canh lòng lợn
và một bi đông rượu có mùi “thơm” đặc biệt vì tôi nấu quá lửa. Tôi nói
vui chắc là năm nay có điềm vui. (Quả nhiên chỉ sau đó không đầy một tháng,
ngày 23-2-1973, Hiệp định Viêng Chăn lập lại hòa bình trên toàn lãnh thổ Lào
được ký kết. Nhưng phải đến tháng 5-1974, đơn vị chúng tôi mới được lệnh rút về
nước để nhận nhiệm vụ mới). Mọi người nhắc nhau không nên quá chén đề phòng
đường dây thông tin bị mất liên lạc.
Tối hôm ấy, ngồi bên nồi bánh chưng,
chúng tôi nói chuyện vui để cố xua đi nỗi nhớ nhà. Tôi vào bộ đội từ năm 1968,
ăn Tết xa nhà đã quen, nhưng có đồng chí mới nhập ngũ đầu năm 1972. Loanh quanh
thế nào lại chỉ nói chuyện gia đình, chuyện nhà, chuyện cửa. Tôi nói, nếu còn
lành lặn trở về, thế nào cũng cố gắng đến thăm gia đình anh em trong tiểu đội
dù chỉ lấy một lần.
Thế mà phải đến tận hai mươi năm nữa,
sau khi Nhà nước xoá bỏ bao cấp, đời sống khấm khá, nhất là từ khi Hội bạn
chiến đấu Trung đoàn 134 được thành lập, chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau.
Trọng (Thái Bình) nay là chủ tịch Hội nông dân xã. Minh (Phú Thọ) làm công việc
hộ tịch ở địa phương. Lai (Hà Tây) làm việc tại một công ty xây dựng, có nhà ở
quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tòng (Nam Định), vốn đã có nghề loa đài từ trước khi
vào bộ đội, mở một cửa hàng sửa chữa ti vi tại nhà. Riêng Tú, cậu em út của
tiểu đội, quê ở Phủ Lý thì phải ba mươi năm nữa tôi mới gặp lại, vì sau khi ra
quân, Tú vào công tác tại đoàn thăm dò dầu khí đồng bằng sông Cửu Long và lập
gia đình định cư ở Vũng Tàu.
Sáng mùng một, thủ trưởng đại đội gọi
điện chúc Tết đơn vị. Các tổ cũng gọi điện chúc Tết lẫn nhau. Chúng tôi làm
thịt thêm hai con gà chuẩn bị đón khách.
Khoảng mười giờ khách đến. Ông tà sẻng cùng đi với hai bà vợ, bà mia nhầy (vợ lớn) và bà mia nọi (vợ bé). Vì bà mia nhầy chỉ sinh được hai cô con gái
nên ông tà sẻng lấy thêm bà mia nọi và đẻ được một cậu con trai. Kế
tiếp là phò Thao La, người đã cày ruộng cho chúng tôi, với hai cậu con trai.
Rồi đến ại Văn Khăm, người đã rèn cho
chúng tôi con dao quắm, đi cùng cô con gái Đuông Xỉ. Tôi mời mọi người vào bàn
và bắt đầu đọc một bài diễn văn bằng tiếng Lào (vì sợ bạn đọc rối mắt nên tôi
không chép ra đây), đại khái là cảm ơn sự giúp đỡ của dân bản, chúc mọi người dù đi mi heng (bình yên mạnh khỏe) và
chúc cho tình hữu nghị Việt – Lào đời đời “như nước Hồng Hà - Cửu Long”. Không
có cốc chén, rượu được rót ra bát. Mọi người cười khen lậu xẹp (rượu ngon). Nhìn hai bà vợ ông tà sẻng lóng ngóng cầm đũa ăn bánh chưng, chúng tôi bật cười. Người
Lào xưa nay vẫn có thói quen ăn bốc. Họ cho rằng hạt lúa là hạt sữa do Mẹ Đất
ban tặng nên phải quý trọng nâng niu. Ông tà
sẻng rất thích ăn món dồi lợn. Một lần nhà ông mổ lợn, ông nhờ chúng tôi ra
làm hộ món dồi. Tôi bảo: “Anh cứ làm thịt lợn cho xong, để riêng chậu tiết,
chúng em sẽ ra làm dồi”. Sáng hôm sau, tôi và Minh ra bản thì đã thấy cô con
gái ông cho một bát ớt bột vào chậu tiết rồi. Tôi bực mình bảo làm thế này thì
mất ngon nhưng vẫn phải làm cho xong món dồi. Bữa đó tôi ăn có một miếng mà đã
xuýt xoa chảy cả nước mắt…
Đến nay đã hơn ba mươi năm, chúng tôi
vẫn ao ước có ngày được trở lại thăm chiến trường xưa trên đát bạn Lào, nơi “có
những bản làng đẹp như hoa chăm pa”, thăm lại các phò mè, phì noọng và nhân dân tỉnh Xiêng Khoảng, những người đã góp
phần không nhỏ giúp đỡ đại đội 15 chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chỉ
có 5 năm từ khi thành lập đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương là Đơn vị Anh
hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngô Gia Linh
Nguyên chiến sỹ c15/e134 BTL Thông tin-Liên lạc