HƯỚNG DẪN VỀ VIỆC TIẾP TỤC GIẢI QUYẾT KHEN THƯỞNG THÀNH TÍCH TRONG CÁC CUỘC KHÁNG CHIẾN, LÀM NHIỆM VỤ QUỐC TẾ Ở CAMPUCHIA, LÀO VÀ TUYẾN 1 BIÊN GIỚI PHÍA BẮC, HẢI ĐẢO XA

QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
       TỔNG CỤC CHÍNH TRỊ

               -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
       Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 
                     ---------------

       Số: 124/HD-CT

        Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2015

 

                                              HƯỚNG DẪN

VỀ VIỆC TIẾP TỤC GIẢI QUYẾT KHEN THƯỞNG THÀNH TÍCH TRONG CÁC CUỘC KHÁNG CHIẾN, LÀM NHIỆM VỤ QUỐC TẾ Ở CAMPUCHIA, LÀO VÀ TUYẾN 1 BIÊN GIỚI PHÍA BẮC, HẢI ĐẢO XA

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc xét, khen thưởng thành tích trong các cuộc kháng chiến, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, Lào và tuyến 1 biên giới phía Bắc, hải đảo xa. Từ năm 1981 đến nay, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai, giải quyết các nội dung thành tích khen thưởng nêu trên, đến nay cơ bản các trường hợp có đủ điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng đã được Bộ Quốc phòng đề nghị Nhà nước khen thưởng.

Tuy nhiên, qua khảo sát, nắm tình hình và phản ánh của các đơn vị, hiện nay vẫn còn một số trường hợp có thành tích trong các cuộc kháng chiến, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, Lào và tuyến 1 biên giới phía Bắc, hải đảo xa, vì nhiều lý do khác nhau vẫn chưa được xem xét, đề nghị khen thưởng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 1530/VPCP-TCCV ngày 10/3/2014 của Văn phòng Chính phủ; Hướng dẫn số 1196/BTĐKT-VII ngày 18 tháng 6 năm 2014 của Ban Thi đua -Khen thưởng Trung ương về khen thưởng thành tích kháng chiến, làm nhiệm vụ ở Campuchia, Lào và tuyến 1 biên giới phía Bắc, hải đảo xa, Tổng cục Chính trị hướng dẫn tiếp tục triển khai xét, đề nghị Nhà nước khen thưởng đối với các trường hợp chưa được khen thưởng như sau:

I. KHEN THƯỞNG HUÂN, HUY CHƯƠNG CHIẾN THẮNG

(Thực hiện theo Sắc lệnh số 54-SL ngày 02-02-1958, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt Huân chương Chiến thắng và Huy chương Chiến thắng).

1. Đối tượng khen thưởng:

Cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam đã có công trong xây dựng quân đội và chiến đấu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, không vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng.

2. Tiêu chuẩn khen thưởng:

a) Huân chương Chiến thắng

+ Huân chương Chiến thắng hạng Nhất tặng thưởng:

Cán bộ cấp đại đoàn hoặc tương đương trở lên, có thời gian đảm nhiệm chức vụ từ đủ 01 năm trở lên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Cán bộ cấp trung đoàn hoặc tương đương trở lên, có thời gian đảm nhiệm chức vụ từ đủ 05 năm trở lên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

+ Huân chương Chiến thắng hạng Nhì tặng thưởng:

Cán bộ cấp đại đoàn hoặc tương đương trở lên, thời gian đảm nhiệm chức vụ đó chưa đủ 01 năm trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Cán bộ cấp trung đoàn và cấp tiểu đoàn hoặc tương đương đã đảm nhiệm chức vụ đó từ 01 năm trở lên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Cán bộ cấp đại đội hoặc tương đương, đã giữ chức vụ đó từ 05 năm trở lên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

+ Huân chương Chiến thắng hạng Ba tặng thưởng:

Cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn hoặc tương đương, giữ chức vụ đó chưa được 01 năm trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Cán bộ cấp đại đội và trung đội hoặc tương đương, giữ chức vụ đó từ 01 năm trở lên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Cán bộ tiểu đội và chiến sỹ có 05 năm tuổi quân trở lên.

b) Huy chương Chiến Thắng

+ Huy chương Chiến thắng hạng Nhất tặng thưởng:

Cán bộ cấp đại đội và trung đội hoặc tương đương, giữ chức vụ đó chưa được 01 năm trong thời kỳ kháng chiến.

Cán bộ tiểu đội và chiến sỹ có ít nhất 03 năm tuổi quân.

+ Huy chương Chiến thắng hạng Nhì tặng thưởng:

Cán bộ tiểu đội và chiến sỹ có 01 năm tuổi quân trở lên hoặc chưa đủ 01 năm tuổi quân trong thời kỳ kháng chiến và chưa tham gia chiến dịch Đông - Xuân năm 1953-1954 nhưng vẫn tiếp tục công tác trong quân đội được 03 năm kể từ ngày hòa bình lập lại (20-7-1954).

II. KHEN THƯỞNG TỔNG KẾT THÀNH TÍCH KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC

Thực hiện Điều lệ Khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (Ban hành theo Nghị quyết số 47 NQ/HĐNN7 ngày 29 tháng 9 năm 1981 của Hội đồng Nhà nước).

1) Đối tượng khen thưởng:

Cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân đội.

2) Tiêu chuẩn khen thưởng:

a) Huân chương:

+ Huân chương kháng chiến hạng Nhất tặng thưởng những người tham gia kháng chiến 20 năm.

+ Huân chương kháng chiến hạng Nhì tặng thưởng những người tham gia kháng chiến từ 15 năm đến dưới 20 năm.

+ Huân chương kháng chiến hạng Ba tặng thưởng những người tham gia kháng chiến từ 10 năm đến dưới 15 năm.

b) Huy chương:

+ Huy chương kháng chiến hạng Nhất tặng thưởng những người tham gia kháng chiến từ 07 năm đến dưới 10 năm.

+ Huy chương kháng chiến hạng Nhì tặng thưởng những người tham gia kháng chiến từ 05 năm đến dưới 07 năm.

* Một số điểm chú ý trong quá trình xét khen

- Mốc thời gian để xét khen thưởng chung cho cả nước tính liên tục từ ngày 20-7-1954 đến ngày 30-4-1975; trong quá trình tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không phạm sai lầm nghiêm trọng.

- Những trường hợp sau đây được rút ngắn thời gian để xét khen thưởng.

Được giảm 1/3 thời gian so với tiêu chuẩn chung: cán bộ, chiến sĩ thuộc quân đội tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở miền Nam hoặc ở Lào, Campuchia.

Được giảm 1/5 thời gian so với tiêu chuẩn chung: cán bộ, chiến sĩ thuộc quân đội tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại vùng thường xuyên có chiến sự ở miền Bắc trong thời kỳ chống Mỹ.

Đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội nếu chưa đủ thời gian tham gia kháng chiến để xét khen thưởng Huy chương kháng chiến hạng Nhì, nhưng có tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 ở miền Nam, thì chỉ cần có thời gian tham gia kháng chiến được 01 năm cũng được tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng Nhì.

III. KHEN THƯỞNG Ở TUYẾN 1 BIÊN GIỚI PHÍA BẮC, HẢI ĐẢO XA

(Thực hiện theo Quyết định số 844/QĐ-BQP ngày 09/6/1984 của Bộ Quốc phòng)

1) Đối tượng khen thưởng:

Quân nhân, công nhân viên quốc phòng có thời gian phục vụ dài hạn ở tuyến 1 biên giới phía Bắc, ở hải đảo xa được xét khen thưởng theo niên hạn như sau: những người có 05 năm trở lên phục vụ trong quân đội, trong đó có 03 năm làm nhiệm vụ ở tuyến 1 biên giới phía Bắc, hải đảo xa, hoàn thành nhiệm vụ, không bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên được tặng thưởng Huân chương Chiến công, tùy theo thành tích của mỗi người.

2) Tiêu chuẩn khen thưởng:

- Huân chương Chiến công hạng Nhất tặng:

Những người có 07 năm trở lên làm nhiệm vụ ở tuyến 1 biên giới phía Bắc, hải đảo xa, trong đó có 01 năm trở lên là cán bộ tiểu đoàn.

- Huân chương Chiến công hạng Nhì tặng:

Những người có 05 năm trở lên làm nhiệm vụ ở tuyến 1 biên giới phía Bắc, hải đảo xa, trong đó có 01 năm trở lên là cán bộ đại đội.

- Huân chương Chiến công hạng Ba tặng:

Những người có 05 năm trở lên phục vụ trong quân đội, trong đó có 03 năm làm nhiệm vụ ở tuyến 1 biên giới phía Bắc, hải đảo xa.

* Một số điểm chú ý trong quá trình xét khen

- Đối với những trường hợp có đủ điều kiện về thời gian như nêu trên, nếu bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên thì không được xét, khen thưởng.

- Đối với những cán bộ từ trung đoàn trở lên nếu có thành tích xuất sắc thì có thể được xét khen cao hơn một mức so với những trường hợp khác có thời gian tương đương làm nhiệm vụ ở tuyến 1 biên giới phía Bắc, hải đảo xa.

- Đối với những người đã được tặng thưởng huân chương về thành tích đột xuất trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu, nếu đủ tiêu chuẩn về thời gian công tác ở tuyến 1 biên giới phía Bắc, hải đảo xa như nêu trên, vẫn được xét khen thưởng thành tích tổng hợp theo mức quy định trên.

- Đối với những người không ở liên tục tuyến 1 biên giới phía Bắc, ở hải đảo xa, nhưng cộng nhiều lần mà đủ thời gian như quy định ở các hạng Huân chương Chiến công nêu trên thì vẫn được xét khen.

- Đối với những người có đủ thời gian để xét tặng nhiều hạng Huân chương Chiến công (Nhất, Nhì, Ba), chỉ được đề nghị xét, tặng 01 Huân chương Chiến công hạng cao nhất.

Ví dụ: Một người có 07 năm trở lên làm nhiệm vụ ở tuyến 1 biên giới phía Bắc, hải đảo xa, trong đó có 01 năm trở lên là cán bộ tiểu đoàn đủ điều kiện được Huân chương Chiến công hạng Nhất thì chỉ xét tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, không xét tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba nữa.

3) Thời gian để tính xét khen thưởng:

Quân nhân, công nhân viên quốc phòng làm nhiệm vụ tuyến 1 biên giới phía Bắc, hải đảo xa (tính từ tháng 02/1979 đến tháng 10/1989).

IV. KHEN THƯỞNG LÀM NHIỆM VỤ QUỐC TẾ Ở CAMPUCHIA -Ở LÀO

(Thực hiện theo Quyết định số 998/QĐ-QP ngày 01/7/1982 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc khen thưởng Huân chương đối với quân nhân làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và ở Lào).

1) Đối tượng khen thưởng:

Những quân nhân và công nhân viên quốc phòng có biên chế trong các đơn vị quân tình nguyện và đoàn chuyên gia quân sự công tác ở Campuchia, ở Lào, hoàn thành nhiệm vụ được giao, không bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên được xét tặng huân chương.

Không xét khen thưởng những quân nhân, công nhân viên quốc phòng chỉ sang công tác một thời gian rồi lại về nước; ở các đoàn chuyên gia; các đơn vị quân tình nguyện công tác ở các trường, trạm, trại, kho tàng hậu cứ ở trong nước.

2) Tiêu chuẩn khen thưởng:

- Huân chương Chiến công hạng Nhất: tặng cho quân nhân, công nhân viên quốc phòng có 07 năm làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, ở Lào (cán bộ  05 năm, trong đó  01 năm trở lên làm cán bộ tiểu đoàn).

- Huân chương Chiến công hạng Nhì: tặng cho quân nhân, công nhân viên quốc phòng có 05 năm trực tiếp làm nhiệm vụ ở Campuchia hoặc ở Lào (cán bộ  03 năm, trong đó  01 năm cán bộ đại đội).

- Huân chương Chiến công hạng Ba: tặng cho quân nhân, công nhân viên quốc phòng có 3 năm trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở Campuchia hoặc ở Lào.

Những quân nhân có 03 năm làm phái viên đi cùng đội công tác cơ sở của bạn.

Những quân nhân có 05 năm tuổi quân trở lên, trong đó có 03 năm làm nhiệm vụ ở Campuchia hoặc ở Lào.

3) Thời gian để tính xét khen thưởng:

- Đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng làm nhiệm vụ ở Campuchia (tính từ ngày 07/01/1979 đến tháng 9/1989).

- Đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng làm nhiệm vụ ở Lào (tính từ ngày 29/7/1977 đến tháng 12/1987).

* Một số điểm chú ý trong quá trình xét khen

Đối với những trường hợp có đủ điều kiện về thời gian như nêu trên, nếu bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên thì không được xét, khen thưởng.

- Đối với những trường hợp là cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên nếu có thành tích xuất sắc có thể được xét khen cao hơn một mức so với những trường hợp khác có thời gian tương đương công tác ở Campuchia, ở Lào.

- Đối với những trường hợp đã được khen thưởng Huân chương về thành tích của nhiệm vụ độtxuất (trong một trận đánh, một chiến dịch...) nếu có đủ tiêu chuẩn về thời gian quy định trên thì vẫn được xét khen thưởng thành tích tổng hợp như mức khen thưởng nêu trên.

V. KHEN THƯỞNG LÀM NHIỆM VỤ QUỐC TẾ Ở LÀO

(Thực hiện theo hướng dẫn số 362/HD-KT ngày 16 tháng 10 năm 1990 của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam).

1) Đối tượng khen thưởng:

Chuyên gia và cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam có công trực tiếp hoạt động trên đấtLào (bao gồm cả người còn sống hoặc đã hy sinh).

2) Tiêu chuẩn khen thưởng:

Huân chương ÍT- XA - LA (tự do) hạng Nhất tặng cho:

+ Những người có thời gian trực tiếp hoạt động liên tục trên đất Lào từ 10 năm trở lên.

+ Cán bộ cao cấp, trung cấp, nữ quân nhân có thời gian trực tiếp hoạt động liên tục trên đất Lào từ 07 năm đến dưới 10 năm.

+ Những người đã hy sinh trên đất Lào (không tính thời gian).

- Huân chương XA - LA- LỢT (Chiến thắng) hạng Nhất tặng cho:

+ Những người có thời gian trực tiếp hoạt động liên tục trên đất Lào từ 05 năm đến dưới 10 năm.

+ Cán bộ trung cấp, nữ quân nhân có thời gian trực tiếp hoạt động liên tục trên đất Lào từ 03 năm đến dưới 05 năm.

- Huy chương tặng cho:

Những người có thời gian trực tiếp hoạt động liên tục trên đất Lào từ 06 tháng đến dưới 03 năm.

- Nếu hoạt động ở Lào trong thời kỳ chống Pháp được xét, tặng Huy chương chống Pháp.

- Nếu hoạt động ở Lào trong thời kỳ chống Mỹ được xét, tặng Huy chương chống Mỹ.

* Một số điểm chú ý trong quá trình xét khen

Thời gian xét khen từ năm 1945-1975 chưa được nhà nước Lào khen thưởng.

Thời gian hoạt động liên tục là thời gian trực tiếp hoạt động trên đất Lào không bị đứt quãng.

Thời gian hoạt động trực tiếp trên đất Lào bị đứt quãng nhưng không quá 06 tháng trong 01 năm và có lý do chính đáng (về nước công tác, học tập, an dưỡng, chữa bệnh...) thì thời gian đó vẫn được tính là thời gian hoạt động liên tục.

Nếu thời gian hoạt động trực tiếp trên đất Lào bị đứt quãng từ 06 tháng trở lên thì khi xét khen thưởng phải trừ thời gian bị đứt quãng đó.

Không xét khen thưởng chuyên gia và cán bộ, chiến sĩ công nhân viên quốc phòng thuộc biên chế đoàn chuyên gia hoặc đơn vị quân tình nguyện mà không trực tiếp hoạt động trên đất Lào hoặc phạm sai lầm lớn trên đất Lào đã bị thi hành kỷ luật hoặc khi về nước mới bị thi hành kỷ luật như: khai trừ khỏi Đảng, giáng cấp, giáng chức, bị buộc thôi việc, loại ngũ, tước quân tịch, tước quân hàm sĩ quan, bị xử tù từ án treo trở lên.

VI. QUY TRÌNH, THỦ TỤC, HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ KHEN THƯỞNG

1) Quy trình xét, đề nghị khen thưởng:

a) Việc xét, đề nghị tặng, truy tặng huân, huy chương Chiến thắng cho cán bộ, chiến sỹ quân đội thành tích trong kháng chiến chống Pháp:

Đối tượng hoặc thân nhân của đối tượng kê khai (theo mẫu gửi kèm), cán bộ quân sự cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cán bộ quân sự cấp xã) tiếp nhận hồ sơ xem xét, và tổng hợp báo cáo UBND cấp xã xác nhận, hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ báo cáo Ban chỉ huy quân sự cấp huyện xét duyệt, tổng hợp báo cáo Bộ Chỉ huy Quân sự cấp tỉnh tổng hợp, báo cáo Bộ Tư lệnh quân khu hoặc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội xét, đề nghị Thủ trưởng Bộ Quốc phòng xét, đề nghị Nhà nước khen thưởng (Cục Tuyên huấn/Tổng cục Chính trị nhận tổng hợp báo cáo).

b) Việc xét, đề nghị tặng, truy tặng huân, huy chương kháng chiến cho cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên quốc phòng thuộc quân đội có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Bộ Quốc phòng chỉ thực hiện việc xét, trình Thủ tướng Chính phủ xét, đề nghị Chủ tịch nướcquyết định tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến cho cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên quốc phòng hiện đang công tác trong quân đội như sau:

Đối tượng khen thưởng kê khai (theo mẫu gửi kèm). Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng tổng hợp báo cáo thủ trưởng đơn vị, cơ quan xem xét, xác nhận và đề nghị lên Thủ trưởng đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng xét, đề nghị Thủ trưởng Bộ Quốc phòng xét, đề nghị Nhà nước khen thưởng (Cục Tuyên huấn/Tổng cục Chính trị nhận tổng hợp báo cáo).

Riêng số đối tượng đã chuyển ra bên ngoài công tác hoặc đã nghỉ hưu, phục viên, xuất ngũ tại địa phương, do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương triển khai thực hiện và xét, trình Thủ tướng Chính phủ xét, đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng, truy tặng Huân, Huy chương kháng chiến.

c) Việc xét, đề nghị tặng, truy tặng huân chương chiến công cho cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên quốc phòng có thành tích làm nhiệm vụ ở tuyến 1 biên giới, ở hải đảo xa; làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, ở Lào; chuyên gia và cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam có công trực tiếp hoạt động trên đất Lào thực hiện như sau:

+ Quân nhân, công nhân viên quốc phòng hiện đang công tác trong Quân đội kê khai (theo mẫu gửi kèm). Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng tổng hợp báo cáo thủ trưởng đơn vị, cơ quan xem xét, xác nhận và đề nghị lên Thủ trưởng đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng xét, đề nghị Thủ trưởng Bộ Quốc phòng xét, đề nghị Nhà nước khen thưởng (Cục Tuyên huấn/Tổng cục Chính trị nhận tổng hợp báo cáo).

+ Quân nhân, công nhân viên quốc phòng đã nghỉ hưu, phục viên, xuất ngũ (kể cả số hy sinh từ trần), do đối tượng hoặc thân nhân đối tượng kê khai (theo mẫu gửi kèm), cán bộ quân sự cấp xã (nơi đối tượng cư trú) tiếp nhận hồ sơ xem xét, và tổng hợp báo cáo UBND cấp xã xác nhận, hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ báo cáo Ban chỉ huy quân sự cấp huyện xét duyệt, tổng hợp báo cáo Bộ Chỉ huy Quân sự cấp tỉnh tổng hợp, báo cáo Bộ Tư lệnh quân khu hoặc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội xét, đề nghị Thủ trưởng Bộ Quốc phòng xét, đề nghị Nhà nước khen thưởng (Cục Tuyên huấn/Tổng cục Chính trị nhận tổng hợp báo cáo).

+ Đối với các trường hợp chuyển ngành ra công tác tại các cơ quan Nhà nước ở cấp huyện (kể cả số hy sinh từ trần), đối tượng hoặc thân nhân kê khai (theo mẫu gửi kèm), cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng tiếp nhận hồ sơ, xem xét, tổng hợp, báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý đối tượng xác nhận và đề nghị Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện xem xét, tổng hợp báo cáo Bộ Chỉ huy Quân sự cấp tỉnh; đối với trường hợp chuyển ngành đang công tác ở cơ quan Nhà nước ở cấp tỉnh, đối tượng kê khai, cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng tiếp nhận hồ sơ, xem xét, tổng hợp, báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý đối tượng xác nhận và đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh xem xét, tổng hợp, báo cáo Bộ Tư lệnh quân khu hoặc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội xét, đề nghị Thủ trưởng Bộ Quốc phòng xét, đề nghị Nhà nước khen thưởng (Cục Tuyên huấn/Tổng cục Chính trị nhận tổng hợp báo cáo).

+ Đối với các trường hợp chuyên ngành ra công tác ở các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương (kể cả số hy sinh từ trần), đối tượng hoặc thân nhân kê khai (theo mẫu gửi kèm), cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng tiếp nhận hồ sơ, xem xét, tổng hợp, báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý đối tượng xác nhận và đề nghị Thủ trưởng Bộ Quốc phòng xét, đề nghị Nhà nước khen thưởng (Cục Tuyên huấn/Tổng cục Chính trị nhận tổng hợp báo cáo).

2) Thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng:

- Công văn báo cáo đề nghị khen thưởng của Thủ trưởng đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc của Thủ trưởng bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương (có mẫu kèm theo).

- Bản kê khai thành tích đề nghị khen thưởng theo từng nội dung thành tích, giấy xác nhận ...(mẫu kèm theo).

- Bản sao công chứng hồ sơ hoặc các giấy tờ liên quan kèm theo để chứng minh, gồm:

+ Lí lịch: cán bộ, quân nhân, công nhân viên, đảng viên

+ Các giấy tờ liên quan quá trình công tác trong quân đội: Quyết định nghỉ hưu, phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, sổ bảo hiểm xã hội..v...

- Danh sách đề nghị khen thưởng theo từng nội dung thành tích ( mẫu kèm theo).

- Số lượng hồ sơ đề nghị khen thưởng 01 trường hợp: 04 bộ (bản chính).

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan chức năng các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương tổ chức quán triệt, triển khai hướng dẫn, rà soát kỹ đối tượng, tiêu chuẩn, thực hiện đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ đúng quy trình, thủ tục, hồ sơ quy định; không để sót đối tượng.

2. Chú ý: chỉ xem xét và đề nghị khen thưởng những trường hợp trước đây chưa được xét, đề nghị khen thưởng.

3. Giao Cục Tuyên huấn chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, tổng hợp và báo cáo Thủ trưởng Tổng cục Chính trị xét, đề nghị Thủ trưởng Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ xét, đề nghị Chủ tịch nước khen thưởng.

4. Thời gian: thực hiện từ tháng 01/2015 đến tháng 12/2017.

Nhận được Hướng dẫn này, các đơn vị, cơ quan thuộc Quân đội, các bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương triển khai, tổ chức thực hiện. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Tổng cục Chính trị (qua Cục Tuyên huấn) để xem xét, tổng hợp, báo cáo giải quyết./.

 

 

 

KT. CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM

       (Đã ký)

Thượng tướng Mai Quang Phấn

 



  • Bản quyền thuộc: Ban Liên lạc Toàn quốc Cựu Quân tình nguyện & Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào
     (79-81 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
    Địa chỉ ban biên tập: Số 1 An Dương, Quận Tây Hồ, Hà Nội
    Hộp thư điện tử: banbientapwqtn@gmail.com
    Trưởng ban Biên tập: Chuyên viên cao cấp - Đại sứ Lê Mai
    Phó trưởng ban Biên tập - 
    Quản trị Website : Trung tá Bùi Minh Sơn
  • Số người đang online: : 15
    Tổng số lượt truy cập: 462583
    Copyright @ 2016. Designed by DTC